Chào mừng bạn đến với website Thư viện tỉnh Hà Tĩnh

Liên kết

 

tvqg vn

Thống kê

Số bài viết
203
Liên kết web
20
Lượt đọc bài
526063

Khách đang xem

Hiện 18 khách đang xem website

Tình yêu sách và ngoại ngữ của Lenin

 Sinh thời, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Vladimir Ilyich Lenin nổi tiếng là người ham đọc sách, với câu nói nổi tiếng: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Không chỉ đọc nhiều, ông còn thông thạo nhiều ngoại ngữ, có thể đọc sách báo và giao tiếp bằng tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Pháp...

  Lenin với những cuốn sách

 Lãnh tụ vô sản Lenin đọc rất nhiều sách và đọc rất nhanh. Trong những ngày đầu cách mạng, vào ngày họp Hội đồng Dân ủy, sau bữa trưa, ông thường đến phòng làm việc sớm hơn 5 - 7 phút. Cùng với các tài liệu cần thiết, ông cầm theo các cuốn sách và tạp chí mới, và trong cuộc họp, Lenin không chỉ kịp xem mà còn ghi chú vào đó. Chuyện xảy ra trong một cuộc họp, một trong những diễn giả thấy Lenin mãi đọc sách đã dừng lại, song ông đề nghị đồng chí mình tiếp tục phát biểu và nhắc lại những lời diễn giả vừa nói.

20122022

       Vladimir Ilyich Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Lenin từ lâu đã học được thói quen đọc nhanh, cách đọc mà theo cô hướng dẫn viên Bảo tàng Lenin ở Gorky, ngoại ô Moskva, giải thích là “đọc theo đường chéo” trang sách.

 Trong hồi ký, đảng viên Bolshevik kỳ cựu Olga B. Lepeshinskaya kể lại thời gian bà và Lenin đi đày ở Siberia, họ đi thuyền dọc sông Yenisei từ Krasnoyarsk đến Minusinsk. Lenin lấy sách ra đọc, bà Lepeshinskaya cũng cầm một cuốn. Bà để ý thấy Lenin giở các trang sách rất nhanh. “Tôi mới đọc được 5 - 6 dòng mà Vladimir Ilyich đã chuyển sang trang mới... Tôi nhìn cuốn sách trong tay Lenin và thấy đó là sách tiếng nước ngoài”.

 Lepeshinskaya hỏi: Lenin, anh đọc hay chỉ nhìn vào sách?

 Lenin trả lời: Tất nhiên là cả hai - và rất cẩn thận.

 Nhưng chả nhẽ anh có thể đọc nhanh đến vậy? - Olga ngạc nhiên.

 Lenin mỉm cười và trả lời: Đúng, tôi đọc rất nhanh. Nhưng điều đó cần thiết, tôi đã quen với điều này. Tôi cần đọc rất nhiều. Do đó, tôi không thể đọc chậm…".

 Với lãnh tụ Lenin, khả năng nhanh chóng làm quen với nhiều cuốn sách để chọn cuốn cần thiết nhất được kết hợp với khả năng nghiên cứu chuyên sâu tài liệu. Từ khi còn trẻ, ông thích đọc với một chiếc bút chì trong tay và ghi chú lại trên các sách và tạp chí. Lenin ghi chú bên lề và trong văn bản, trên bìa và trên trang sách, tạp chí, các bình luận của mình. Ví dụ, hầu hết các trang trong cuốn "Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga” 669 trang, Lenin đều ghi chú và gạch chân. Điều này chứng tỏ cuốn sách - báo cáo của Ủy ban GOELRO trước Đại hội các Xô viết lần thứ VIII - đã được ông nghiên cứu kỹ lưỡng.

 Khoảng 500 cuốn sách có ghi chú của Lenin trong thư viện của ông. Chủ đề những cuốn sách này liên quan chặt chẽ nhất đến các vấn đề nóng mà đảng và đất nước phải đối mặt. Lãnh tụ Lenin đọc rất rộng, và phương pháp làm việc với sách của ông rất đa dạng và phong phú đến nỗi nó đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nhà khoa học, thủ thư để nghiên cứu toàn bộ khả năng này.

 Một trong những đức tính nổi bật của Lenin là sự quyết tâm, tính kiên trì và tính hệ thống trong nắm bắt kiến thức, trước tiên là lý luận cách mạng. Sách “gối đầu giường” của Lenin là tác phẩm của hai nhà tư tưởng, người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học Karl Marx và Friedrich Engels. Ông thường xuyên đọc bản gốc. Vợ ông, bà Nadezhda. K. Krupskaya viết: “Với Lenin, những giáo huấn của Marx không giáo điều, mà là chỉ dẫn hành động”. Ông liên tục “tham khảo” Marx. Trong những thời khắc khó khăn, quan trọng nhất của cuộc cách mạng, ông đọc lại (tác phẩm của) Marx”.

 Trong thư viện riêng của Lenin có gần 200 cuốn sách của Marx và Engels (cả tiếng Nga và tiếng nước ngoài). Đáng chú ý trong số này là tuyển tập “Tư bản” (bản tiếng Đức các năm 1872, 1885 và 1894, bản tiếng Nga năm 1872 và 1885). Lãnh tụ Lenin để lại vô số ghi chú trong các cuốn sách này bằng chữ viết tay.

 Trong thư viện của Lenin, sách về triết học khá đa dạng, bắt đầu bằng tác phẩm của các tác giả cổ điển cả nước ngoài và Nga.

 Một phần đáng kể trong thư viện của Lenin là sách xã hội học, sách lịch sử xã hội Nga. Ông cũng liên tục theo dõi tình hình quốc tế. Trong thư viện của ông có phần “Chính trị quốc tế” với các tài liệu ngoại giao thời kỳ đó. Ngoài ra, Lenin còn đọc sách về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, tổ chức sản xuất và quản lý công nghiệp, nông nghiệp, các vấn đề quốc gia, giáo dục con người, tổ chức lao động, thương mại, pháp luật Xô viết, an sinh xã hội, phong trào công đoàn, phong trào cộng sản quốc tế, cuộc sống ở nước ngoài... Ông cũng rất coi trọng khoa học trong nước và vui mừng khi các nhà khoa học nổi tiếng Nga tìm ra con đường cách mạng.

 Khả năng ngoại ngữ siêu đẳng

2012202201

Những vật dụng bên trong phòng làm việc của Lenin tại Bảo tàng lịch sử Lenin bị đày ở Siberia.Ảnh: Trần Hiếu/PV TTXVN tại LB Nga

Từ khi còn là học sinh trường chuyên, Vladimir Ilich Lenin đã thể hiện năng khiếu về ngoại ngữ. Vào thời kỳ đó, tại các trường chuyên cổ điển có thể học 6 thứ tiếng: tiếng Nga, Slavơ, Latinh, Hy Lạp, Pháp và Đức. Sau đó, Lenin quan tâm và tự học thành thạo nhiều ngôn ngữ khác kể cả tiếng Anh.

 Ông bắt đầu học tiếng Anh khi đi đày ở làng Shushenskoye, Siberia (1897-1900). Ông có cuốn giáo trình Nurok, rất phổ biến vào thời điểm đó ở Nga. Cuốn sách gồm một lượng lớn các bài tập dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nga và ngược lại. Để nhớ tốt hơn các từ, câu hội thoại và các loại câu khác, Lenin đã học thuộc các đoạn câu trong nhiều tác phẩm khác nhau. Ông cố gắng xác định nghĩa từ mới bằng cách tự phân tích bối cảnh của câu và chỉ sử dụng từ điển trong những trường hợp khó khăn nhất.

 Đến London (1902), Lenin làm quen với giáo trình Toussin, trong đó giới thiệu cách nghiên cứu cấu trúc ngữ pháp ngôn ngữ nước ngoài so với ngữ pháp ngôn ngữ bản địa. Vladimir Ilyich viết: “Tussen thật tuyệt vời. Trước đó tôi không tin vào hệ thống này, nhưng giờ tôi đã bị thuyết phục rằng đây là hệ thống nghiêm túc, hiệu quả duy nhất”.

 Để làm chủ từ vựng hội thoại tốt hơn, Lenin tham gia các cuộc họp ở Hyde Park, nói tiếng Anh với chủ nhà, học các bài học tiếng Anh từ người Anh và dạy họ tiếng Nga. Thành công tiếng Anh của ông có thể đánh giá qua hồi ức của đảng viên Cộng sản Mỹ Robert Minor.

 Ông Minor kể: “Ban đầu, Lenin cho biết tiếng Anh của ông vẫn còn kém, và chúng tôi nói bằng tiếng Pháp, sau đó Lenin chuyển sang tiếng Đức, và sau đó, thật kinh ngạc, (ông) tiếp tục bằng tiếng Anh một cách hoàn hảo, không mắc một lỗi nào và thỉnh thoảng dừng lại để tìm từ đắt (tất cả các cuộc trao đổi sau đó của chúng tôi đều bằng tiếng Anh và tôi không thấy một lỗi ngữ pháp nào của Lenin)”.

 Nhà báo William Goode một giáo viên tiếng Anh, nhớ lại cuộc gặp với Lenin: “Sau lời chào hỏi, bắt tay nồng nhiệt, tôi bắt đầu nói, vô tình sử dụng ngôn ngữ cuốn sách tôi vừa đọc - tiếng Pháp. 'Ngài không phản đối, nếu tôi nói bằng tiếng Anh chứ', Lenin đề nghị. Tôi vô cùng ngạc nhiên đến mức thốt lên: 'Trời! Tôi không biết rằng ngài biết tiếng Anh'. Lenin đáp lại: 'Nếu ngài nói chậm và rõ, tôi sẽ không phạm một lỗi nào cả’. Cuộc trò chuyện tiếp tục, tôi đặt các câu hỏi và nhận được câu trả lời, những vấn đề quan trọng được giải đáp - tất cả đều bằng tiếng Anh, và Lenin không bao giờ nhầm lẫn. Ông đã hứa và không mắc một lỗi nào”.

 Về học ngoại ngữ, lãnh tụ vô sản Nga là người cầu toàn. Đảng viên Cộng sản Hungary, Laszlo Rudash kể lại: “Trước tiên, Lenin hỏi tôi muốn nói chuyện bằng ngôn ngữ nào. ‘Chúng ta có thể nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh. Ngôn ngữ nào cũng được. Tôi nói các ngôn ngữ đó đều kém như nhau’, Lenin nói. Tôi trả lời bằng tiếng Đức, và ngay sau câu đầu tiên, rõ ràng Lenin không chỉ nói tốt hơn tôi, mà nhìn chung, ông thông thạo ngôn ngữ này”.

 Trong phòng làm việc của Lenin tại Điện Kremlin luôn có những tờ báo bằng các ngôn ngữ chính của châu Âu. Thư viện riêng của ông có các cuốn sách in bằng gần 20 ngôn ngữ trên thế giới. Suốt cuộc đời mình, Lenin đã viết về việc cần phải học ngoại ngữ. Trong các tác phẩm của mình, ông thường sử dụng những câu thành ngữ, kể cả những thành ngữ nước ngoài, trích dẫn do chính ông dịch. Đây là một trong những câu thành ngữ Lenin yêu thích sau khi dịch ra tiếng Nga: “The proof of the pudding is in the eating - pudding thể hiện khi thưởng thức, nghĩa là mọi thứ cần được kiểm nghiệm qua thực tế”.

 Lãnh tụ Lenin rất yêu tiếng Nga và kêu gọi cần quan tâm đến tiếng Nga. Trong phần ghi chú của mình về việc “làm trong sáng tiếng Nga”, ông đã viết không nên thay các từ tiếng Nga bằng các từ ngoại lai trong trường hợp có từ tiếng Nga tương ứng: “Tại sao lại nói (từ tiếng Anh) ‘defect’, trong khi bạn có thể nói (từ tiếng Nga) ‘nedostatki’, hay ‘hedochety’ hay ‘problemy’?”                      

                                                      Theo Duy Trinh (TTXVN)

Các bài khác trong Giới thiệu sách mới

Xem toàn bộ